PHOTO TOUR TẾT TÉ NƯỚC MYANMAR (11/04 – 16/04/2017)

Một tour chụp ảnh cực kỳ hấp dẫn xin chia sẻ cùng mọi người

Té nước ở Myanmar
Té nước ở Myanmar

PHOTO TOUR TẾT TÉ NƯỚC MYANMAR (11/04 – 16/04/2017)
I. CHƯƠNG TRÌNH
Thời gian: khởi hành thứ ba ngày 11/04/2017 về chủ nhật ngày 16/04/2017.
Thời gian sáng tác: 6 ngày 5 đêm.
Địa điểm tập trung: Sân bay Tân Sơn Nhất.
Số lượng thành viên tham gia: 20 người.
Yêu cầu: thành viên tham gia cần có hộ chiếu còn hạn trên 6 tháng.
Sáng tác ảnh và tham quan:
1. Chùa Phật nằm Chauk Htat Gyi.
2. Chùa Phật ngồi Ngar Htet Kyi.
3. Hoàng hôn tại đền Shwedagon.
4. Bình minh tại Bagan.
5. Đền Shwezigon có setup mẫu chụp.
6. Sáng tác ảnh tại các ngôi đền cổ có setup mẫu chụp.
7. Chiều và hoàng hôn Bagan có setup mẫu chụp.
8. Bình minh đền Pyathat Gyi.
9. Tượng Phật đá tại đền cổ có setup mẫu chụp.
10. Đền Mingun có setup mẫu chụp.
11. Chuông đồng Mingun.
12. Đền Hsinbyme có setup mẫu chụp.
13. Hoàng hôn cầu gỗ Ubein.
17. Phơi đêm tại cổng kinh thành Mandalay.
15. Bình minh đồi Mandalay.
16. Tết té nước của người Myanmar.
17. Chùa Kuthodaw.
18. Cầu đường ray xe lửa nổi tiếng.
19. Bình minh vũ điệu của ngư dân hồ Inle.
20. Làng nghề làm giấy, làm bạc trên hồ Inle.
21. Bộ tộc cổ dài tại Inle.
22. Tu viện Shwe Yan Pyay.
23. Sáng tác ảnh đời thường sửa bánh xe bò.
24. Đại lộ và chùa Sule.
25. Toà thị chính, bưu điện, công viên trung tâm Yangon.
26. Chợ đá quý Bogyoke Aung San.
27. Nhà thờ Holy Trinity.
28. Nhà ga trung tâm Yangon.

II. ĐĂNG KÝ VÀ ĐÓNG PHÍ
– Hình thức đăng ký: đăng ký xác nhận bằng bình luận (comment): Họ và tên – Số điện thoại trước 20h00 ngày 06/04/2017 lên Facebook CLB Nhiếp ảnh & Du lịch hoặc qua điện thoại cho chị Ý Nhi – 0915.656.100 hoặc khóa sổ khi đã đủ số người tham gia.
– Chi phí tham gia: 12.500.000 đồng/1 người.
Bao gồm:
+ Phương tiện di chuyển xe đi các thành phố.
+ Một sim điện thoại 3G của Myanmar để liên lạc trong đoàn và gọi về Việt Nam.
+ Vé tham quan các điểm chính: Bagan, Mingun, Mandalay, Inle lake, Yangon.
+ Khách sạn 02 sao tại thành phố Yangon, Bagan, Mandalay và thị trấn hồ Inle.
+ Ăn 11 bữa chính và 5 bữa phụ.
+ Chi phí setup mẫu chụp ở Bagan, Mingun, Mandalay và hồ Inle.
+ Thuyền tham quan tại cầu Ubein.
+ Thuyền tham quan bình minh tại hồ Inle.
+ Xe đạp dạo quanh Yangon buổi sáng chụp đời thường.
+ Nước uống.
+ Khăn lạnh.
+ Bảo hiểm du lịch…
Chi phí tham gia chưa bao gồm:
+ Chi phí vé máy bay. Vé máy bay tự mua hoặc liên hệ chị Minh Tâm – 0945.525.604 hỗ trợ mua vé giúp.
+ Vé máy bay hãng Vietjet Air đi chuyến VJ831 lúc 10h25 ngày 11/04/2017 từ thành phố Hồ Chí Minh đi Yangon. Và chuyến VJ832 về khởi hành từ Yangon lúc 13h00 ngày 16/04/2017 về lại thành phố Hồ Chí Minh lúc 15h45. Giá khứ hồi khoảng 4,6 triệu đồng (giá tham khảo ngày 28/02/2017).
– Hình thức đóng tiền: Đóng tiền trực tiếp hoặc chuyển khoản cho chị Ý Nhi trước ngày 06/04/2017.
– Thông tin tài khoản:
+ Ngân hàng Sacombank chi nhánh Hòa Thành – Tây Ninh.
Chủ tài khoản: Nguyễn Thị Ý Nhi.
Số tài khoản: 05000 882 4591.
+ Ngân hàng Vietcombank – Chi nhánh Tp.Hồ Chí Minh
Chủ tài khoản : Lâm Minh Tâm
Số tài khoản : 0071 000 955 396.
P/S: Khi chuyển khoản vui lòng ghi nội dung: Đóng phí tham quan, Họ tên, Số điện thoại.

III. TRẢI NGHIỆM & ẨM THỰC ĐỊA PHƯƠNG
Trải nghiệm thoa kem thanakha dưỡng da trắng mịn màng, chống nắng, trị mụn và chống lão
Thưởng thức các món ăn địa phương: mì Nan Gyi Thohk, cà ri Myanmar, trái cây ngâm đường…
Đi xe xích lô đạp dạo quanh trung tâm thành phố Yangon.

IV. LỊCH TRÌNH CHI TIẾT
NGÀY 1: TP.HỒ CHÍ MINH – TP.YANGON – CỐ ĐÔ BAGAN
Buổi sáng: 09h00 thứ ba ngày 11/04/2017 tập trung tại sân bay Tân Sơn Nhất, bay khởi hành đi Yangon lúc 10h25.
Buổi trưa: Đoàn dùng bữa trưa.
Buổi chiều: Tham quan và chụp ảnh tại chùa Phật nằm Chauk Htat Gyi và chùa Phật ngồi Ngar Htet Kyi.
Chụp hoàng hôn tại chùa Shwedagon, ngôi chùa vàng độc đáo của Myanmar, nơi lưu giữ bốn báu vật Phật giáo gồm gậy của Kakusandha, lọc nước của Konagamana, áo của Kassapa và 8 sợi tóc của Đức Phật.
Sáng tác ảnh ngày tết té nước của người Myanmar.
Buổi tối: Đoàn dùng bữa tối và khởi hành đi Bagan ngủ đêm trên xe.
NGÀY 2: CỐ ĐÔ BAGAN
Buổi sáng: Đến Bagan là cố đô cũ của Myanmar với quần thể hơn 4000 ngôi đền san sát tựa như Angkor, cả thành phố mang đậm không khí cổ kính, linh thiêng và vô cùng yên bình, những ngôi đền ẩn hiện trong sương sớm tạo nên nét huyền ảo đến khó tả. Đặc biệt tại Bagan, từ những địa điểm trên cao có thể chụp những góc hình rất đẹp với cảnh khinh khí cầu thả bay trên các ngôi đền vào buổi bình minh.
Chụp bình minh tại đền Shwesandaw, nơi đây được coi là địa điểm “hot” nhất Bagan dành cho việc ngắm bình minh và hoàng hôn bao trùm xuống kinh thành cổ xưa Bagan. Vì cấu trúc của Shwesandaw có 4 mặt, 5 tầng, mỗi mặt đều có cầu thang nên rất thuận lợi cho các nhiếp ảnh gia ngắm nhìn bình minh hay hoàng hôn.
Dùng bữa sáng tại thành phố cổ.
Sáng tác ảnh tại đền Shwezigon có setup mẫu.
Tham quan đền Ananda đây chính là ngôi đền được bảo quản tốt nhất và còn nguyên vẹn nhất cho tới hiện nay.
Buổi trưa: Dùng bữa trưa và nhận phòng khách sạn nghỉ ngơi.
Buổi chiều: Tham quan và chụp ảnh tượng Phật đá tại đền Thandawgya có setup mẫu chụp.
Sáng tác ảnh tại Bagan ở các đền có setup mẫu chụp.
Sáng tác ảnh ngày tết té nước của người Myanmar ở Bagan.
Chụp hoàng hôn tại Bagan.
Buổi tối: Dùng bữa tối và tự do khám phá thành phố cổ Bagan về đêm.
NGÀY 3: CỐ ĐÔ BAGAN – MINGUN – CỐ ĐÔ MADALAY
Buổi sáng: Chụp bình minh đền Pyathat Gyi, một góc chụp khác rất thú vị.
Đoàn dùng điểm tâm sáng.
Khởi hành đi cố đô Mandalay.
Buổi trưa: Đoàn dùng bữa trưa.
Buổi chiều: Tham quan và chụp ảnh tại phế tích Mingun hay còn gọi là Mingun Pathodawgyi là ngôi chùa xây bằng gạch đỏ mà nếu hoàn thành sẽ là kiến trúc Phật giáo bằng gạch lớn nhất thế giới với chiều cao dự kiến 150 mét. Năm 1838, một trận động đất lớn đã khiến phần trên của chùa sụp xuống, nhưng ngày nay Mingun Pathodawgyi vẫn sừng sững bên sông với những vết nứt gây kinh ngạc.
Tháp chuông Mingun lớn nhất thế giới nặng 90 tấn, được đúc riêng cho chùa Myatheindan nhưng đã không bao giờ sử dụng.
Tham quan và sáng tác ảnh tại ngôi đền Hsinbyume trắng muốt và tinh khiết có setup mẫu, với bảy lớp hành lang sơn trắng uốn lượn tượng trưng cho bảy dãy núi bao quanh đền Meru như trong thần thoại. Trước cổng đền có đôi tượng Chinthe linh vật nửa sư tử nửa rồng được người dân xem như những báu vật bởi chúng đứng canh giữ sát bờ sông.
Chụp hoàng hôn tại cây cầu gỗ tếch Ubein, được người dân trong khu làng cổ Amarapura xây dựng từ năm 1800 bởi hàng nghìn tấm ván bằng gỗ tếch với 1.068 trụ cột, bắc qua hồ Taungthaman. Đây không chỉ là cây cầu gỗ tếch dài nhất thế giới với chiều dài 1,2 km mà còn là điểm tuyệt vời nhất để ngắm bình minh và hoàng hôn.
Buổi tối: Đến Mandalay, đoàn nhận phòng tại khách sạn Mandalay.
Dùng bữa tối và phơi đêm tại cổng thành Mandalay.
NGÀY 4: CỐ ĐÔ MANDALAY – HỒ INLE
Buổi sáng: Chụp bình minh tại ngọn đồi Mandalay nhìn toàn cảnh thành phố lớn thứ hai ở Myanmar.
Đoàn dùng bữa sáng.
Sáng tác ảnh tại chùa Kuthodaw nổi tiếng tọa lạc tại Mandalay, là nơi lưu giữ bộ kinh Phật bằng đá lớn nhất thế giới. Đây là một quần thể bao gồm ngôi chùa chính và nhiều đền tháp nhỏ xung quanh.
Đoàn khởi hành đi hồ Inle.
Buổi trưa: Đoàn dùng bữa trưa.
Buổi chiều: Sáng tác ảnh tại cây cầu nổi tiếng đường ray xe lửa Ba Wa Sam Sa Ra trên đường đi.
Đến Inle, đoàn sáng tác ảnh tại bến thuyền hồ Inle.
Buổi tối: Đoàn dùng bữa tối và nhận phòng tại thị trấn Nyaung Shwe nghỉ ngơi.
NGÀY 5: THỊ TRẤN NYAUNG SHWE – HỒ INLE – TP.YANGON
Buổi sáng: Khởi hành đi thuyền chụp cảnh bình minh tại hồ nước ngọt nổi tiếng Inle, với hình ảnh nổi tiếng nhất tại đây là cảnh ngư dân đánh cá trên sông hay in trên các tạp chí du lịch với một chân đứng đạp mái chèo một tay quăng nom.
Đoàn dùng bữa sáng.
Đi thuyền khám phá hồ nước ngọt trên cao mang tên Inle, đây là vùng đất trù phú, yên bình dân cư sống trên các nhà sàn trên mặt nước, nghề chính là làm du lịch tại các làng nghề thủ công truyền thống như làm bạc, dệt tơ sen, làng bộ tộc cổ dài, đóng thuyền, làm giấy…
Tham quan và sáng tác ảnh tại tu viện Shwe Yan Pyay với những ô cửa sổ tuyệt đẹp có setup mẫu.
Khởi hành đi thành phố Yangon.
Buổi trưa: Đoàn dùng bữa trưa.
Buổi chiều: Sáng tác ảnh đời thường sửa bánh xe bò.
Buổi tối: Dùng bữa tối.
Đến thành phố Yangon, đoàn nhận phòng và nghỉ ngơi.
NGÀY 6: TP.YANGON – TP.HỒ CHÍ MINH
Buổi sáng: Tham quan toà thị chính, bưu điện, đại lộ Sule và đài tưởng niệm trung tâm thành phố Yangon.
Đoàn dùng bữa sáng.
Tham quan và chụp kiến trúc khu China Town ở trung tâm thành phố Yangon. Cảnh đời thường ở Yangon và tham quan chợ đá quý Bogyoke Aung San với hàng trăm gian hàng đa dạng như quần áo, thủ công mỹ nghệ, quà lưu niệm.
Tham quan và chụp ảnh tại nhà thờ Holy Trinity ngay trung tâm thành phố Yangon.
Tham quan nhà ga xe lửa trung tâm Yangon.
Buổi trưa: Ra sân bay khởi hành về thành phố Hồ Chí Minh.
Buổi chiều: Về lại thành phố Hồ Chí Minh, trả đoàn tại điểm sân bay Tân Sơn Nhất, kết thúc chuyến tham quan và sáng tác ảnh.
IV. THIẾT BỊ CHỤP VÀ VẬT DỤNG MANG THEO
– Chân máy.
– Dây bấm mềm hay remote (pin cho remote nếu có).
– Đèn pin chiếu sáng khi cần thiết.
– Ống wide và tele.
– Thẻ nhớ và dự phòng ít nhất 1 thẻ.
– Pin, sạc pin và dự phòng ít nhất 1 cục pin.
– Nón, khăn, khẩu trang che nắng vì trời hơi nóng.
– Bình nước giữ nhiệt để nước đá (nếu cần).
– Áo ấm về đêm trời lạnh, nhiệt độ xuống thấp trái ngược với buổi sáng.
– Bao nylon bỏ dép xách vào các chùa.
– Dây cắm điện để sạc pin nhiều thiết bị cùng một lúc.
* Lưu ý:
Lịch trình có thể thay đổi để tùy theo tình hình thực tế và thời tiết để phù hợp với chuyến đi.
Thân mời các thành viên CLB Nhiếp ảnh & Du lịch và các bạn yêu thích nhiếp ảnh, du lịch cùng tham gia và giao lưu.
Ban chủ nhiệm CLB Nhiếp ảnh & Du lịch.

Kinh nghiệm du lịch Myanmar

Chào mọi người,
Lâu lắm rồi mình mới lại viết bài về du lịch sau thời gian quá bận rộn với nghề nông dân của mình. Mãi tới hôm nay mình mới đi du lịch thêm một nước và đi về kể lại cho mọi người.
Du lịch Myanmar - Ảnh của Le Thuy
Du lịch Myanmar – Ảnh của Le Thuy
Mọi năm mình đều đi một mình, nhưng năm nay mình đi tới 5 người, và phát hiện càng đi đông càng vui và tiết kiệm được nhiều tiền hơn. Chứ đi ít người tốn lắm, đặc biệt khoảng khách sạn và taxi. mà đi du lịch thì hai khoảng đó chiếm phần lớn tổng số tiền hao phí ở nước ngoài rồi. Mà mình đang nói điều dĩ nhiên không à. ka ka
Năm nay mình chọn Myanmar để đi vì nghe đâu đó là một nước mới nổi của khu vực asian. Nên sẽ có nhiều điều mở mang tầm mắt, và một phần mình chọn Myanmar để xem nơi đó có thể đầu tư vào được không. Theo dự đoán của mình Myanmar đang có chính sách mở cửa rất thông thoáng nên từ 3-10 năm nữa kinh tế sẽ phát triển cực kì thần tốc, vượt qua VN chắc chắn 1 quãng xa. Nếu đầu tư từ bây giờ, có thể 10 năm sau mình trở thành đại gia cũng nên. Làm nhà đầu tư nên mình rất quan tâm tới điều này.
(^^)

Các chú ý đi Myanmar chú ý các điều sau đây:

  1. Phải trá giá khi mua hàng hay thuê mướn gì đó. Trả giá ít nhất 50-70%/món hàng, bọn mình mua bị hớ cực kì nhiều, sau đó hỏi giá khắp nơi thì mới phát hiện bị bán đắt gấp 2-3 lần so với giá trị thực. Giá trong các khu tham quan lúc nào cũng đắt hơn giá ngoài chợ. Nên nếu được mọi người đừng mua sắm gì ở các khu tham quan nhé.
  2. Không được mặc đồ ngắn khi vào khu vực chùa. ( Nếu lỡ mặc đồ ngắn thì bên Myanmar chỗ nào cũng bán cái Sà Rông quấn vào, nó nhìn y hệt váy chống nắng ở HCM vậy.
  3. Đồ ngoài đường của Myanmar không được vệ sinh lắm, cẩn thận khi ăn food street vì đi du lịch mà bị tào tháo rượt thì chả hay ho gì. Nhớ mang thuốc chống đau bụng phòng hờ, dầu gió nữa. Thuốc nhứt đầu càng tốt phòng say nắng.
  4. Wifi ở Myanmar thật sự rất chập chờn. Mà phí roaming mỗi lần nghe mất tầm 11k/phút. Người nào nói dai là mất tiền như điên. Còn phí 3G hình như 110k cho dung lượng bao nhiêu mình quên rồi, nên tốt nhất mọi người mua con sim 4G ở sân bay tầm 6000 kyat là được. Tầm 120k cho bao nhiêu dung lượng mình quên luôn rồi. ka ka
  5. Mọi người nên book trước vé xe Bus và khách sạn vì sợ nhất là hết vé. Bus thì hãng JJ hay Famous đều là những hãng chất lượng tốt, giường hơi nằm (không nằm thẳng như Phương Trang). Có nước và đồ ăn lẫn xem video trên xe. http://www.myanmarbuses.com . Hoặc lên trên đây đặt online cũng được. Vé bus tầm 25$.
  6. Myanmar là đất nước cực kỳ thân thiện, dịch vụ cực kỳ tốt và hiếu khách, hải quan cũng rất dễ. Mình vượt quá hành lý họ cũng cho qua, mang chất lỏng trên 100ml họ cũng cho qua khi thấy mình tỏ ra xót của. Mình mua 6 chai dầu gần 3 lít chất lỏng, vậy mà họ cho qua đó, và còn mỉm cười chào hỏi bằng tiếng việt nam. Đây là quốc gia rất đáng sống đó nha.
  7. Nhiệt độ Myanmar như HCM, nóng thấy ông bà, nên các bạn nhớ mặc đồ dài đỡ đen da, kèm cái kính mát, bao không dư thừa đâu.
  8. Yangon là nơi kẹt xe kinh hoàng, 2h sáng còn kẹt xe thì mọi người tự hiểu nha. Nên làm gì cũng phải tính dư tg ra phòng ko kịp, lỡ việc hết.
  9. Myanmar người dân rất giỏi tiếng Anh, nên cứ xổ tiếng Anh thoải mái. Tiếng Anh là tiếng phổ cập trong nhà trường của HS myanmar rồi.
  10. Nhớ mua đồ ăn vặt theo phòng không hợp khẩu vị và đói như bánh mì, xúc xích, hạt dinh dưỡng như hạt điều , hạnh nhân gì đó để mang đi ăn lấy sức chạy.
Đầu tiên mình sơ lược về tổng kinh phí chuyến đi của 1 mình mình (nhóm 5 người): Tổng 6152k/người cho 5 ngày 4 đêm tại Myanmar bao gồm:
  • Tiền vé bay: mình đặt hãng Vietjejet là 2tr6 (hãng asia cũng có vé rẻ thường xuyên, và rẻ hơn vietjet nhưng stransit tại Thái Lan nên mình book Vietjet bay thẳng tiết kiệm thời gian.
  • Taxi đón từ sân bay đi tham quan khắp thành phố Yangon là 40$/5 người (nếu đi ít hơn từ 30-35$/12 tiếng). Ở Myanmar người ta không tính theo kilomet như ở VN mà tính theo ngày, hoặc một chuyến đi. Tụi mình tham quan đủ thứ chỗ. Lúc bước xuống sân bay, tụi mình đón taxi đi từ sân bay, tham quan chợ (anh taxi thì chờ ngoài cổng cho tụi mình đi tham quan, kiểu như tài xế riêng ấy, sau đó đi ăn uống, đi thăm chùa Vàng…, tối mịt thì kêu anh ấy chở đi một số nhà hàng của Myanmar và cuối cùng ra bến xe bus đón xe đi Bagan
  • Vé xe bus đi từ Yangon đi Bagan (đi tầm 10 tiếng đồng hồ. Bagan tương tự cố đô huế của VN mình vậy, đó là một thành phố cổ gồm nhiều đền chùa và văn hóa của người bản xứ ở đó. Mình đi hãng Elite
  • Vé vào chùa Vàng ở Yangon: 5000kyat, tầm 100k vnđ ở VN
  • Tiền khách sạn: thời gian chính là ngủ trên xe bus di chuyển khắp Myanmar nên mình chỉ đặt khách sạn 3 đêm thôi: (Khách sạn mình đặt trên agoda.com). Giá phòng ở Myanmar khá rẻ. Tầm 400k phòng đơn, và 600-700k/phòng đôi, bao gồm ăn sáng buffet.
+ 2 Đêm ở Bagan: 28$/phòng 5 người/đêm . Chia ra đầu người tầm 140k/đêm thôi. Nếu các bạn đi lẻ hoặc cặp thì tầm 315k/đêm ở Bagan
  • Vé vào khu du lịch quần thể cố đô Bagan : 25.000kyat, tương đương 500.000vnđ/người
  • Vé thuê 2 xe ngựa tham quan cả ngày ở Bagan là 35$/ngày/con ngựa kéo (1 chú ngựa được ngồi 3 người/xe). Mình khuyên mọi người nên thuê xe ngựa, vì quần thể đền ở bagan cực kì rộng, nó có bán kính cả chục Km. Nếu không có người hướng dẫn, mọi người không biết điểm nào để đi và mua sắm, lẫn sẽ lạc và không vui.
  • Trước khi đi Myanmar, mình được một người bạn giới thiệu anh Co Naing là chủ chiếc xe ngựa đó, kiêm hướng dẫn viên, anh ấy nói tiếng anh rất giỏi. Và quan trọng nhất là anh ấy cực kỳ tốt bụng, thân thiện và hiền lành, vui vẻ. Anh ấy đã giúp đỡ tụi mình rất nhiều trong suốt chuyến đi, và nói cho tụi mình biết nơi nào ăn ngon, nơi nào có thứ đẹp và làm tụi mình cười suốt. Facebook anh ấy đây.
  • https://www.facebook.com/profile.php?id=100015681635283
  • Thuê xe đạp điện 4500 kyat/nửa ngày nếu thuê của khách sạn, còn thuê 5000kyat/nửa ngày nếu thuê dịch vụ bên ngoài. Tụi mình ngày đầu đi xe ngựa, ngày thứ 2 thuê xe đạp điện đi để trải nghiệm cảm giác lái xe. Nhưng nếu không biết đường thì khuyên mọi người nên đi ngựa trước, sau đó mới thuê xe đạp điện ngày hôm sau kẻo lạc.
  • Thuê tàu 35$/tàu tham quan sông Bagan ngắm hoàng hôn, khuyên mọi người không nên đi cái này, vì chán òm.
  • Ngoài ra mọi người có thể thuê xe tút tút như ở Thái Lan, xe này 25$/ngày chở mọi người đi tham quan nhưng xe này đi nhanh, mọi người sẽ không tận hưởng được không khí mát mẻ và thú vị của khu này bằng xe ngựa. Và người sức khỏe yếu sẽ cảm giác mau mệt. (Mình chọn đi xe ngựa, không chọn xe này, vì có anh Co Naing hướng dẫn rồi.
+ 1 Đêm ở Inle: tầm 550k/phòng, mình đặt 2 phòng cho 5 người. Nên mỗi người chỉ tốn 220k à. Riêng ở Inle , mình khuyên các bạn nên đặt phòng ở khách sạn Golden Fish Motel Nyaung Shwe – Link ở đây . Bà chủ khách sạn này cực kỳ hiếu khách và thân thiện, dù các bạn gọi điện lúc 2h sáng, bà ấy cũng sẵn sàng giúp đỡ và hỗ trợ. chưa kể bà ấy còn cho xe đón mình tận bến xe Bus tờ mờ lúc 4h sáng. Khi đi họ cũng cho tài xế chở bọn mình ra bến xe nữa. (bà ấy già và trông rất hiền lành, dễ mến)
  • Vé vào khu vực Inle: 10$/người. Họ thu trên xe bus khi xe vào khu vực inle
  • Vé thuê thuyền tham quan trên Inle lake là 25000 kyat/ngày, tương đương 500k/5 người
  • Tiền ăn thì tầm 1000-6000kyat/phần ăn, tùy ăn ở chợ hay ăn ở khu du lịch(từ 20k-120k vnđ)
  • Nước uống miễn phí thì khu du lịch chỗ nào cũng có. Họ để trong cái khạp bằng sứ, uống rất mát lạnh, tuy nhiên nhiều người sợ mất vệ sinh nên không dám uống. Riêng mình thì uống banh xác luôn, không sợ, uống cho giống dân địa phương.
Giá 1 số đồ ăn mình mua để mọi người tham khảo giá để khỏi bị hớ nhé:
  • – Dưa hấu: 1500 kyat/trái – 30k vnđ. Myanmar nổi tiếng nhiều chuối, dưa hấu và thốt nốt nên giá rẻ.
  • – Quýt: 200-400kyat/trái – tầm 4k-8k vnđ của mình đó. Họ ko tính kg như mình đâu
  • – Nước mía: 400kyat/ly, có chỗ bán 500kyat – tầm 8-10k vnđ
  • – Dừa trái: 1000kyat tầm 20k vnđ
  • Vé taxi từ Bagan ra sân bay: 23000 kyat, bao gồm ghé chợ sát sân bay cho tụi mình mua trái cây ăn vì đói và sắp ói tới nơi sau mấy đêm ngủ đường ngủ xó.
  • Bột người dân myanmar hay xài bôi lên mặt: 1$/hủ hoặc 1000 kyat
  • Pepsi hoặc coca cola tầm 800 kyat.
……………………………………………..HÀNH TRÌNH 4 ĐÊM 5 NGÀY CỦA TỤI MÌNH NHƯ SAU – XIN LƯU Ý ĐÂY LÀ CHUYẾN ĐI HAO TỐN NHIỀU SỨC LỰC NHẤT TRONG LỊCH SỬ DU LỊCH CỦA MÌNH . VÃI CẢ CHÂN LUÔN. – AI YẾU TIM NÊN Ở NHÀ VÌ SỢ LẾT CÒN KHÔNG NỔI. KA KA.

Yangon – Thành phố kinh tế lớn nhất Myanmar, nhiệt độ 33 độ

8h sáng tụi mình ra sân bay Tân Sơn Nhất HCM, nay chuyến 10h.
Do đi nhóm mà có một bạn đến trễ, bọn mình suýt trễ chuyến bay . 5 người đều mang hành lý xách tay và bị quá hành lý. Suýt tí nữa là bị phạt phí. Nói chung đi hãng vietjet, nhân viên hãng bay rất khó tính, quá kg hành lý xui là họ không cho qua đâu.11h tụi mình đến sân bay Yangon, sân bay này hơi nhỏ như sân bay VN vậy, cũng cũ cũ như Vn luôn. Được cái nhân viên tuyệt vời lắm. Họ sẵn sàng giúp đỡ mọi người và luôn tươi cười. Đây là một đất nước có tỷ lệ người biết tiếng Anh cao lắm. Nên mọi người cứ xổ tiếng Anh, không cần xổ tiếng Myanamar ra đâu, he he.
Khi xuống sân bay Yangon việc đầu tiên là mua sim 3G , nhưng myanmar ko có sim 3G, chỉ có 4G, gói thấp nhất là 6000kyat tại sân bay, do xếp lâu quá nên tụi mình không mua, vào trung tâm thành phố mua với giá 4500kyat. 4G ở đây yếu như sên.Tụi mình làm thủ tục check in hải quan. Và ra sảnh thuê taxi.
Vì đi 5 người, nên anh taxi lấy giá 40$ đi tham quan từ trưa đến tối, đưa mình đi bất kể nơi nào mình muốn đến, mua sắm thoải mái và anh ấy sẽ đợi. Bọn mình có trả giá nhưng không thành công vì đi tới 5 người, nếu ít hơn thì có thể trả xuống 30$. Vào nội thành Yangon cũng gần, tầm 15km hình như thế.
Đường phố Yangon cực kỳ sạch sẽ, đẹp đẽ, và nhiều cây xanh. Mình thấy họ quy hoạch thành phố khá tốt. Người dân thân thiện, đường phố sạch sẽ, thành phố này nhìn hiện đại hơn HCM của VN. Mình nghĩ trong 10 năm tới Vn thua xa Myanmar về tốc độ phát triển lẫn kinh tế. Họ làm du lịch tốt hơn Vn nhiều.
Ở Myanmar người ta cấm xe máy, chủ yếu là oto và xe đạp điện, xe đạp điện của họ thuộc loại khủng, hình như mua ở China nhưng đạt tốc độ tới 50km/giờ và có thể đi liên tục trên 8 tiếng mà không hết pin. Ở đây, người ta có thể để oto ngoài sân mà không lo mất cắp và bị phá hoại.
Do chiều tụi mình phải ra bến xe Bus để đi Bagan (cố đô của Myanmar) nên chỉ tham quan 2 điểm của thành phố Yangon là chợ Bogyoke Aung San và chùa Botataung Pagoda. Anh taxi đưa tụi mình đi là một người thân thiện và hiền lành, nhìn chung Myanmar đa phần ai cũng thân thiện, và người dân YAngon đa phần họ biết tiếng Anh. Việt Nam mình thì tỷ lệ đọc tiếng Anh thì nhiều nhưng nói chuyện tiếng Anh thì ít phổ biến hơn bên đó.
Tụi mình ghé chợ ăn trưa, đồ ăn Myanmar hợp khẩu vị của mình, nhưng do trời nắng như lửa đốt 33 độ C khiến mình ăn kém đi. Đồ ăn trong chợ này từ 1000-3000 kyat. Nó có menu giá sẵn, nên cũng không nhất thiết trả giá, đồ ăn ngoài chợ thì giá rẻ hơn khu du lịch rồi.Sau khi vào chợ tụi mình tiếp tục di chuyển đến chùa Vàng Botataung Pagoda. Vé vào cổng chùa này là 5000kyat/người, tầm 100k đó. Do mình quên nên lỡ mặc đồ ngắn, người ta yêu cầu là phải mua cái Sà Rông tầm 5$ mới cho vào. Sà Rông y hệt cái váy chống nắng, mình tiếc tiền dã man. Trước khi vào chùa thì sẽ thấy cái bảng ” take of Shoes” trước cửa , có nghĩa là ở Myanmar vào chùa thì phải cở bỏ dép ra, đi chân đất vào chùa.

BAGAN – thành phố cổ của Myanmar, nhiệt độ 33 độ

Tham qua chán chê, chụp choẹt đủ kiểu thì đi ra ngoài mua trái dừa 20k vnđ rồi đi ăn chiều, do kẹt xe quá nên tới được quán ăn cũng 6h.
Tụi mình vào cái quán hơi sang. Một phần ăn cũng hết 6000kyat tầm 120k. Sau đó ra bến xe bus đi Bagan. Vé xe bus tụi mình đặt online trước đó rồi. Mình khuyên mọi người nên đặt trước vì hay hết vé lắm. Chuyến bus của mình xuất phát 7h tối, 7h sáng tới. 12 tiếng ngủ trên xe bus. Đối với người say xe như mình mà nói đúng là thảm họa. Vé bus tầm 25$/người. Cách Yangon tầm 400km (mình đoán thế vì đi tới 12 tiếng lận, tính luôn kẹt xe)Xe bus thì khuyên là các bạn nên đặt loại VIP của hàng JJ hay Famous gì cũng được, có nước uống, có giường nằm, có chăn, có bánh ngọt để ăn. Cứ 3 Tiếng họ dừng 1 lần cho mình đi toilet, và các trạm dừng đó toilet bẩn dã man. Nên mình đi rồi chạy ù ra, dơ chẳng thua kém gì VN cả. Được cái Thành phố Yangon là ngon hơn VN mình thôi.
Hôm đó mình đi toilet, nhưng xếp hàng lâu quá trễ xe. Khổ là khi quay trở lại, mình không nhớ nổi xe mình đi biển số mấy. Thấy nhiều xe đã lăn bánh chạy, mình phát hoảng, hành lý để trên xe hết, không giấy tờ, không điện thoại, không tiền, không passport, thân gái giữa đêm giữ xứ người. nghĩ tới cảnh đó mình như con điên bấn loạn. Lao ra chặn 1 chiếc xe quen quen xem phải xe mình đi không, nhưng chúng giống nhau quá nên cũng không rõ. Mình chạy khắp nơi hỏi chiếc xe mình mô tả, nhưng không ai biết vì họ làm sao biết mình đi xe nào. May là lúc sau bạn mình đi kiếm mình, và xe mình đi nó chưa lăn bánh. Hú vía.Nguyên đêm mình không ngủ được do mình không thể ngủ trên xe được.
Tới Bagan, anh Co Naing dùng xe ngựa đón tụi mình ở trạm xe bus. Xe ngựa + hướng dẫn viên tổng là 35$/ngày/3 người. Anh này mình dùng một từ là cực kỳ hiền và tận tâm cũng như thân thiện. Nếu không có anh ấy tụi mình cũng không biết nên đi đâu chơi, ăn gì, ở đau và lịch sử vùng đất này.
Mình khuyên mọi người, nếu ai tới Bagan thì nên liên hệ anha ấy, anh ấy sẵn sàng giúp đỡ và làm hướng dẫn viên cho mọi người.Bagan rất rộng, mọi người nên đi xe ngựa để được từ tốn tận hưởng và tham quan bagan, nếu thuê xe taxi hoặc xe như xe ba gác thì say xe và chán lắm.Bagan rộng lắm, đi 4 ngày chắc may ra mới hết được khu này, nó là một quần thể các đền chùa.
Tụi mình được anh Co Naing dẫn đi nhiều, không nhớ nổi tên, nhưng chặn cuối ảnh dẫn đi mua cái bột gì mà người dân Myanmar thường dùng để dưỡng da. Nó làm từ bột một loại cây thân gỗ, có tác dụng dưỡng da, chống nắng, chống lão hóa ….hình như 100 người Myanmar thì hết 99 người dùng rồi. Nhìn như thổ dân vậy. Bọn mình cũng bôi thử xem sao, đúng là mát mặt lắm.Nước uống miễn phí ở Myanmar nhiều lắm, mọi người cứ uống thoải mái.Cũng như ở Yangon, đền ở Myanmar thì vào phải cởi dép. Tụi mình phi ngựa đi tham quan đủ chỗ, sướng ơi sướng.Chiều về nghỉ ngơi tại khách sạn. Đi thuê xe đạp điện giá 4500kyat của Khách sạn để 4h sáng đi ngắm bình minh ở chùa cổ Shwesandaw, Tayonke Payay hoặc đền Payathozu là một trong những nơi ngắm bình minh và khinh khí cầu (mấy chục cái bay lên bầu trời) đẹp nhất tại cố đô Bagan.
Phải nói dậy 4h sáng là điều khốn khổ đối với mình, nhưng đúng là được trả giá xứng đáng. Cảm giác phi xe đạp điện giữa 4-5 giờ sáng lạnh ơi lạnh, rồi chờ mặt trời mọc giữa đám khách tây nhốn nháo, phê ơi phê. Cảm giác phi xe đạp điện cũng phê ác lắm. Mọi người phải thử nha, không thử phí lắm.Ngắm xong, một vài bạn đi chợ quanh khu vực đấy, mình thì vã cả cmmt ra rồi, nên về khách sạn ăn buffet sáng và lăn đùng ra ngủ tới 5h chiều dọn dẹp đồ đạc ra bến xe bus đi Inle . Chuyến đi này cũng ngủ trên xe bus, và hành trình cũng dài 10-12 tiếng. May là xe chất lượng cao nên cũng đỡ, chứ chất lượng thấp chắc mình lìa đời sớm luôn. Nằm trên xe lạnh lắm.
Trước khi xuất phát Inle, tụi mình call cho bà chủ khách sạn Golden Fish Motel Nyaung Shwe để bà ấy ra xe bus đón tụi mình . Khách sạn này thì tụi mình đã book online trước rồi, và đây là nơi được đánh giá cực kỳ cao của tất cả khách du lịch đã từng đến nơi đây vì bà chủ nơi này cực kì thân thiện và tốt bụng.

INLE – thành phố cao nguyên, có cái hồ to khổng lồ giữa cao nguyên, nhiệt độ ban ngày 25, đêm 18 độ

Đến INLE vào lúc 4h sáng, bà chủ khách sạn dễ mến cho người ra chờ sẵn tụi mình, tội ơi tội vì tờ mờ sáng. Thời tiết buổi sáng cao nguyên khá lạnh, 18-22 độ C. May mà mình mang áo khoác không thôi lạnh teo rồi. Trước khi vào khu vực Inle, thì người ta thu phí vào Inle là 10$/người.
Tụi mình gửi đồ đạc tại khách sạn, trò chuyện uống trà với bà chủ khách sạn vài phút và hỏi thăm bà ấy những nơi thăm thú của inle thì tiến ra đi ngắm bình minh trên Hồ Inle. Phải nói đi Inle là nơi đáng đi nhất của Myanmar, tuyệt diệu lắm.
Vé thuê thuyền và người chèo thuyền là 25000kyat tầm 500k/thuyền.Sáng sớm lạnh teo người, 5 đứa lúm khúm lên thuyền giống thuyền độc mộc ra hồ, nói hồ chứ nó rộng tới mức mình tưởng sông với biển đó.Đi tới giữa hồ thì thấy bình minh lên giữa núi. Nhìn ảo diệu.Giữa hồ là quần thể cư dân hồ Inle sinh sống, điều thú vị đối với mình là họ trồng trọt lên hồ, bằng xác thủy sinh, họ gom thành đống và trồng rau củ phía trên xác Thủy sinh. Nhìn xa tưởng trồng trên đất, tới gần mới biết đó là xác thủy sinh.Hồ inle rộng lắm, tụi mình tham quan làng cổ dài, làng giấy, làng làm xì gà, làng làm vải bằng thân cây sen (latus), rồi đi ăn. Người dân trên hồ Inle dùng chính nước hồ đó để ăn uống, tắm giặt, …mọi thứ.
Để tham quan hết làng Inle chắc đi 1 ngày không biết hết chưa, vì nó rộng quá, tụi mình đi thăm thú vài điểm cơ bản thì hết 1 ngày rồi. Kinh nghiệm là mọi người nên đi sớm, vì đi trễ quá nắng nôi, mệt người lười đi, mà chả thăm thú dc gì.
Nước Inle buổi sáng thì ấm, buổi trưa thì mát mẻ. Độ sâu vài khu vực tầm cao tới cổ, có thể thấy thủy sinh mọc um tùm dưới nước, có những khu vực mọi người có thể bơi được. Nhưng mình coi film kinh dị nhiều quá, sợ sinh vật lạ hoặc thủy quái cắn nên không dám xuống dù mình biết bơi, ka ka.Tham quan xong, tụi mình cả lũ đuối cạn năng lượng rồi thì về, mọi người đi ăn còn mình đi ngủ.
5h chiều xuất phát ra Bus về Bagan, mình chụp lưu niệm với bà ấy rồi về. Trên đường ra bus thì quen được một con Tây Ban Nha, thế là sáp vào tám. Nó hỏi tụi mình đi đâu, tụi mình bảo về YANGON, nó bảo nó cũng thế và sắp đến Campuchia và Vn, thì tụi mình ồ lên bảo tụi tao là dân VN đây, thế là tụ lại tám tới khi ra Bus. Hành trình về YANGON tiếp tục.

COME BACK YANGON

Về YANGON, đứa nào cũng đuối như trái chuối rồi.
Tầm 7h sáng xe dừng tại bến xe bus YANGON, 1h chiều tụi mình bay, sợ kẹt xe nên tụi mình quyết định ra thẳng sân bay luôn, không lòng vòng quanh Bagan như dự định nữa. Thế là mỗi đứa chia ra đi dò giá taxi về YANGON. Ban đầu tụi mình hỏi xe tút tút như xe bên thailan, nhưng họ đều ko ra sân bay bằng xe này.Sau đó ai cũng báo giá 25.000kyat, mình trả giá mãi được 23.000kyat, tương đương 500k. Nhưng sau đó kiếm dc 1 người đi giá 9000 kyat, định đi thì hai taxi đó cãi nhau. ôi mẹ, thế là đành đi 23.000kyat bao gồm ghé chợ cho tụi mình mua xoài, mua chuối, quýt ra sân bay ăn. Tụi mình né thành phố ra vì kẹt xe kinh lắm.Ra tới sân bay, tụi mình đem Kyat đổi hết ra VNĐ.
Ban đầu tụi mình hùn nhau mỗi đứa 150$ vào quỹ ăn chơi. Nhưng khi kết thúc hành trình thì dư mỗi đứa 26$. Chưa tính mua sắm riêng nhé. Mình thì không mua gì ngoài mua xì gà cho ba, và mua dầu cho mẹ thôi. Xì gà thì hết 15.000 kyat, dầu cho mẹ thì hết 2000 kyat. Đôi dép handmade cho em gái 3$ nữa. Tùy nơi họ sẽ bán $ hay kyat nhé.
Thế là tổng chuyến đi tiêu tầm 6 triệu đó mọi người, là ăn chơi, thuê mướn thả ga đó nha, không tiết kiệm đâu.
Còn nếu mua sắm thì 7 triệu tất tần tật, bao gồm vé bay, khách sạn, thuê mướn, mua sắm, phát sinh….Đi càng đông, càng tiết kiệm. Ka ka

le thuy viết – https://www.facebook.com/lethuyvn

Báo chí Tây phương đả kích chính quyền Myanmar không giải quyết nổi vấn nạn đàn áp người Hồi giáo

Báo chí Tây phương đả kích chính quyền Myanmar mang danh dân chủ mà không giải quyết nổi vấn nạn đàn áp người Hồi giáo ở các bang Tây Bắc. Truyền thông cánh tả giỏi chửi người khác mà không chịu hiểu gì về thực tế. Myanmar trước thời bà San Suu Kyi và đảng NLD nắm quyền có thể nói là ở trong tình trạng loạn 12 sứ quân. Có nghĩa là chính phủ quân quản độc tài tuy nắm quyền từ trung ương, nhưng ở mỗi địa phương đều có các lực lượng quân đội thiểu số tương ứng. Và phép vua luôn thua lệ làng. Mỗi tiểu bang hoặc vùng địa lý ở Myanmar trước khi chuyển giao quyền lực đều bị chi phối bởi rất nhiều thế lực sắc tộc đại diện, kết hợp với giới tăng lữ địa phương, tạo nên tình trạng hỗn loạn mạnh ai nấy làm luật và cát cứ một cõi. Đó cũng là lý do vì sao trước 2012, du khách khi đi xuyên qua ranh giới hành chính các tiểu bang đều phải xuống xe trình thông hành cho các trạm kiểm soát quân sự.

Đảng NLD sau cuộc tổng tuyển cử cách đây 1 năm đã giành đa số ghế trong Quốc hội Liên bang Myanmar và nghiễm nhiên nắm luôn ghế hành pháp. Tuy nhiên, để bình định được các địa phương, họ còn phải cố gắng rất nhiều chứ không đơn giản chỉ ngồi ở Nay Pyi Taw mà chỉ tay 5 ngón. Ngoài ra, thực tế trên chính trường, phe tướng lĩnh vẫn giữ nguyên tỉ lệ tối thiểu 25% số ghế lập pháp, theo quyền hiến định, có thể phủ quyết mọi điều luật được đa số thông qua.

Như vậy, những cố gắng của đảng NLD và cá nhân của bà San Suu Kyi cần phải có thời gian, không phải đơn giản là dân chủ đến ào ạt và muốn điều binh khiển tướng sao cũng được. Báo chí phương Tây chỉ nhìn bằng một con mắt nông cạn và các nhà bình luận salon thì rất dễ để phê phán tình hình…

Theo Fb Phuong Nguyen

Rằm tháng Giêng ghé chùa Bà Thiên Hậu Quận 5 Chợ Lớn


Rằm tháng Giêng ghé chùa Bà Thiên Hậu ở Quận 5 khu Chợ Lớn trong dịp tết Nguyên Tiêu với các hoạt động rộn rã, cúng, xin, giải hạn… khá đông người dân và du khách đã đến.

Chùa Bà Thiên Hậu còn được gọi là chùa Bà Chợ Lớn, tên chữ Hán là Thiên Hậu miếu, người Hoa gọi là Phò Miếu . Do bên cạnh chùa có Tuệ Thành Hội quán là nơi quy tụ của nhóm người Hoa Quảng Đông, nên chùa còn được gọi Tuệ Thành Hội quán.

Địa điểm du lịch hấp dẫn với các du khách quốc tế vì đây là ngôi chùa cổ có từ lâu đời ở Sài Gòn

Năm 1760, sau khi an cư lạc nghiệp ở vùng Chợ Lớn (Quận 5, Quận 6, Quận 10 và Quận 11, TP. Hồ Chí Minh ngày nay), cộng đồng người Hoa (gốc Quảng Đông) đã góp tiền xây dựng ngôi chùa thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu để tỏ lòng biết ơn bà đã phù hộ cho họ thuận buồm xuôi gió đến vùng đất mới an toàn. Qua nhiều lần trùng tu, chùa hiện có kiến trúc hình chữ Quốc – lối kiến trúc chùa cổ đặc trưng của người Hoa, gồm 3 tòa Tiền điện, Trung điện và Hậu điện.

Nguồn: Zai Tri
#ChùaBàThiênHậuChợLớn

Ý TƯỞNG: Làng du lịch Tân Hoá

Nếu những ai đã đến Tân Hoá (Minh Hoá) rồi chắc chắn sẽ đồng ý với tôi là Tân Hoá thật đẹp, ngôi làng nhỏ yên bình, những cánh đồng lúa xanh mướt, dòng sông Rào Nan uốn lượn quanh làng, những ngôi nhà gỗ truyền thống của bà con người Nguồn thật đẹp, con người sống chan hoà dễ mến. Đây cũng là vùng nông thôn có quy hoạch khu làm chuồng trâu, chuồng bò cách xa khu dân cư. Bên cạnh Tân Hoá là hệ thống hang động Tú Làn, đây cũng là nơi thực hiện một số cảnh quay của Kong: Skull Island..Một nơi thật thân thương như vậy mà hàng năm vẫn lụt lội, bà con vất vả. Oxalis Foundation nhận thấy Tân Hoá có tiềm năng trở thành ngôi làng du lịch cộng đồng, chúng oti6 cũng đã trao đổi với chính quyền địa phương và mọi người đều có quyết tâm thực hiện. Các bước thực hiện để dần biến Tân Hoá thành làng du lịch như sau:


1. Tiến hành trồng cây xanh 2 bên đường từ cổng làng Cổ Liêm vào đến cuối làng
2. Thuê kiến trúc sư cảnh quan quy hoạch cảnh quan cho mỗi hộ gia đình, tiến hành trồng các hàng rào mềm bằng những loại cây, loại hoa đẹp. Làm sao mỗi hộ dân, mỗi khu vườn là một nhà vườn đẹp.
3. Tiến hành hỗ trợ vá khuyến khích bà con xây dựng nhà vệ sinh tự huỷ
4. Tiến hành các bước thiết lập tạo ra các sản phẩm phục vụ khách du lịch, bao gồm cảnh quan, cửa hảng địa phương, homestay.

Đường vào Tân Hoá
Đường vào Tân Hoá

Chúng tôi dự kiến dự án này sẽ cơ bản hoàn thành trong vòng 2 năm, Các bạn của , các nhà hảo tâm nếu có mong muốn giúp đỡ Tân Hoá, hãy tham gia cùng chúng tôi. Có thể góp công sức hay kinh phí cùng Oxalis Foundation để thực hiện giấc mơ thành hiện thực.

Tới đây sẽ có các phiên họp với người dân để tạo sự đồng lòng, khi mọi người quyết tâm, chúng tôi sẽ tiến hành từng bước như nêu ở trên.

Ảnh: Đường vào làng của Minh Quê

Chau A Nguyen

Trekking Tà Năng – Thác Yavly – Phan Dũng.

Review cung trekking đẹp nhất VN , bài viết rất dài nên chỉ dành cho các bạn quan tâm có ý định muốn đi 😜
✔️ TÀ NĂNG – THÁC YAVLY – PHAN DŨNG
✔️ Thực ra không phải review gì nhiều vì chuyến đi này không trọn vẹn nhưng nhiều cảm xúc … vì Nghĩa bị lạc. Đến lúc này vẫn còn lâng lâng vì an toàn về nhà đc 😱
✔️ Vì vậy Nghĩa sẽ review 3 vấn đề : Kinh nghiệm chuẩn bị hành trang trước khi đi – Chuyện Nghĩa bị lạc 🙂))) & Tường thuật chuyến đi qua những tấm hình (cho bạn hình dung phòng đg đi đẹp-đã-khổ thế nào) 😁

” Bị lạc trong rừng 1,5 ngày ” -> Cảm giác kinh khủng!!

– Team Nghĩa đi 6 người , có sự chuẩn bị khá là kĩ trước chuyến đi nên khởi đầu rất hào hứng 😜
– Kết thúc ngày đầu tiên khá tốt đẹp, từ khâu cắm trại tới bữa BBQ rất thú vị giữa cái rét núi rừng. Trừ việc tối đó mưa nên ngủ không được thoải mái lắm 🙂))
– Ngày 2 dự đoán nhẹ nhàng hơn ngày 1 nên cả nhóm ngủ trễ xíu. Ai dè gặp mưa đầu ngày làm nản nản. Nhưng đi được 2 tiếng thì ngớt mưa, bao cảnh đẹp trong làn sương lạnh làm vơi bớt cái mệt mỏi.
Nhưng trong 1 sai lầm ko mấy để ý mà cả nhóm đã lạc khỏi đường mòn về thác Yavly. Mọi cố gắng tìm được nguồn nước trước khi trời tối đã dẫn nhóm tới con suối ở hạ nguồn thác 7 tầng (trong khi cần tới Yavly 😂). Bất đắc dĩ phải cắm trại 1 đêm tại con suối này. Lúc này khi biết đi lạc, rất nhiều câu hỏi xuất hiện trong đầu các thành viên trong nhóm 😕 Ngày mai sẽ thoát bằng cách nào?? Quay lại tìm đg mòn hay chọn đi thẳng theo đường khác??
– Bù lại những câu hỏi đó là nhóm đc 1 tối cắm trại rất tuyệt vời. Trời đẹp, cạnh suối nên cảm giác rất khoan khoái. Nhóm lửa phơi đồ, tắm suối rất sảng khoá, sáng sau thức dậy là chỉ muốn ở lại trong rừng luôn 🙂))))
– Sáng thứ 3 thức dậy với tâm lý cũng hơi thoải mái vì chỉ cần tìm đường tới thác Yavly chỉ cách điểm trại 1,5 km (xác định lịch trình trễ 1 ngày so vs dự kiến). Cả nhóm dậy ăn sáng, lọc nước tới 10h mới chịu xuất phát (chủ quan vkl 😂).
– Quyết định là đi theo men suối (nghĩ cứ có suối là có sự sống, vì thiếu nước là ko đc) ai dè 1.5km ngày hôm đấy là quãng đường kinh khủng nhất trong cuộc đời 🙂)))
– Đi được khoảng 300m men suối thì gặp 1 thác nhỏ & ko còn lối đi tiếp. Mà các bạn bik đá lổm chổm nên di chuyển rất khó khắn. Thế là quyết định băng lên rừng. Đc cái gần suối là rừng tre nên cây thưa thớt ko quá khó đi. Lên lên xuống xuống hết cỡ chục cái đồi nhỏ thì cả team bắt đầu đuối sức. Quá kinh khủng vì đi trong rừng bạn sẽ không thể xác định là mình đi xa gần bao nhiêu. Di chuyển 1km băng rừng với hành trang hơn 10kg trên người thạt sự rất khó khăn. Với mục tiêu cuối cùng là thác Yavly thì lúc này nhóm chỉ còn cách thác 400m. Cảm giác vừa mừng vừa vui sướng vì gần hết ngày rồi.
– Nhưng chưa dừng ở đó. 400m đường rừng cuối cùng còn kinh khủng hơn 1km trước đó. Càng đi xuống càng dốc, cây cối càng ít. Lúc thác nước hiện ra trước mắt cũng là lúc cả nhóm phát hiện đang đứng trên vách núi rất dốc. Có khả năng là kẹt lại & qua đêm với côn trùng vì ko còn sức mà trèo lên lại nữa rồi. Hoá ra cái đg mòn sẽ dẫn mọi người đi ngang đỉnh thác (phía đối diện vách núi mọi người bò xuống). 4h chiều … cả nhóm có quyết định liều lĩnh là bò cho bằng được xuống chân thác. May mắn là vách núi cỏ non mọc um tùm nên có thể bám cỏ để vừa bò vừa trượt xuống. Liên tục những cú trượt mất kiểm soát làm ai cũng thót tim. Phải cảm ơn thánh liều Phung Tri Vong luôn làm chuột bạch những pha thót tim nhất. Bò xuống chân thác an toàn, người ngợm trầy trụa khắp nơi là tình trạng của cả team khi xuống tới. Lúc này cả team hò hét sung sướng, quá hạnh phúc vì ai cũng đã khát & đói (bỏ cả ăn trưa vì sợ trời tối)
– Cả team tiếp tục cắm trại mặc dù trong lòng rất lo lắng vì đồ ăn cạn kiệt, điện thoại thì gần cạn sạch pin.
– Sáng hôm sau thêm hàng chục câu hỏi lại hiện ra. Đi đường nào đây?? Bò lên lại tìm đg mòn hay lại men suối tiếp. Lúc này mà quyết định sai nữa thì xác định ở luôn trong rừng 🙂)))) . Tới đây thì cảm tạ thánh đường mòn Bảo Bảo với phương châm cứ có đg mòn là có lối ra. Mò sao ra đc cái đg mòn men suối, đi đc 15 phút thì gặp đc dân lâm tặc. Nghĩa với sở trưởng to mồm …. hét lớn “có người có người” . Cả nhóm mừng rơi nước mắt, thế là thoát rồi , sống rồi!!!!
– Thực sự kể thế này ko thể diễn tả hết nhưng phải công nhận may mắn vẫn mỉm cười. Tất cả đều không thể nghĩ đã vượt rừng vượt suối 1 cách ngoạn mục như vậy, những kĩ năng mà phải tới lúc “sống còn” như vậy mới làm hết khả năng con người. Cứ như kiểu phim thám hiểm ấy 🙂))))

Một số kinh nghiệm cho các bạn chuẩn bị trinh phục cung trekking này!!

** Trước hết thì các bạn phải xác định là muốn trekking theo hình thức nào nhé. Vì cùng trekking này đã phát triển thành du lịch rồi nên có 3 hình thức cho các bạn lựa chọn :
– Tự đi, có track log-bản đồ offline cho các bạn đi theo -> bạn có thể lạc bất kì khúc nào nếu bất cẩn.
– Có người dẫn đường -> thuê dân địa phương dắt đường thì thoái mái đi mà ko sợ lạc
– Có Porter -> có người xách đồ cho các bạn (đồ ăn nước uống, lều trại, dụng cụ hỗ trợ cần thiết) , lúc này các bạn chỉ cần mang balo 3-4 bộ đồ cho 3 ngày, rất nhẹ nhàng & thoái mái

1) Vấn đề lịch trình
– Đi xe Phương Trang từ Sài Gòn đi Đà Lạt & dừng tại ngã 3 Tahine
– Gọi A Cường chuyên đưa đón để chở vào bìa rừng
– Đi ngày 1 tới đồi trọc, cắm trại tại đây
– Đi ngày 2 tới Thác Yavly , cắm trại tại đây (có thể xuống đáy thác chơi nếu ko mưa)
– Đi ngày 3 về tới Phan Dũng
– Bắt xe về Liên Hương – Bình Thuân đón Xe Đông Hưng về Sài Gòn

2) Vấn đề mang hành trang
– Bắt buộc balo phải là balo trợ lực vì phải đi bộ rất nhiều nên vai sẽ áp lực rất lớn
– Mang tối đa 8kg/người để tránh đuối sức
– Đồ ăn chỉ nên mang đồ làm bbq trong ngày đầu tiên (mang kiểu dã chiến, xiên thịt sẵn lên chie việc nướng). Các ngày còn lại nên mang đồ khô giữ lâu đc
– Cố gắng chia đồ nhau nhưng phải vác hết trên vai, trên ngừoi, ko nên xách tay bất kì thức gì để tránh vướng víu
– Nghĩa khuyên 1 bạn nên thủ sẵn 2 bánh lương khô dằn túi (ăn 1 cái no 1 ngày ấy) phòng rủi ro nhé
– Mang ít nhất 1 ng/ 1 chai nước 1.5L. Hết ngày 1 sẽ hết nước, mn phải dùng nước suối. Nghĩa có đồ lọc nên ko sao, mn nếu ko có nên mang vải màn để lọc cặn (hoặc vải dạng cái khăn quấn cổ khi đút e bé ăn ấy)
– Ngày 3 cũng vậy, ngày ra rồi nên ăn nhẹ thoai để tránh mang đồ ăn nhiu
– Gợi ý là ngày 2 khi ở Thác Yavly các bạn có thể đặt dân địa phương làm gà mang đến tận thác cho mình BBQ 😁

3) Những thứ bắt buộc phải lưu ý nếu bạn tự đi theo bản đồ :
– Đọc qua 1 số kiến thức về kĩ năng sinh tồn trong rừng. Bắt buộc phải có các kĩ năng về nhóm lửa, cột dây (kéo củi)
– Mỗi bạn trong nhóm nên mang theo 1 sợi dây thừng (đủ chịu sức 1 người đu) dài 20m (rất có khả năng dùng tới)
– Bắt buộc phải có áo mưa bộ, bọc giày đi mưa, áo mưa cho balo
– Mang sạc dự phòng để đảm bảo điện thoại sử dụng tối đa 5 ngày (phòng khi lạc)
– Điện thoại cài đặt app maps.me kèm trag log cung đường. Và để tránh lạc các bạn hãy chắc chắn check track log liên tục – phải đảm bảo mình luôn ở trên track log. Chậm 1 chút mà chắc **đừng chủ quan
– Mang bông băng sơ cứu, dầu gió, kem trừ muỗi, thuốc đau bụng.
– Nên sắm 1 dụng cụ lọc nước (lọc nc suối) để đảm ko bị đau bụng (vì nc suối dính cặn). Nếu các bạn cần mua thì liên hệ Thanh Sơn chỉ 450k/cái rất hiệu quả.
– Nên có đèn pin siêu sáng để hạn chế dùng flash điện thoại
– Nên làm quen ngủ sớm dậy sớm trước khi đi 1 tuần để cảm giác thoải mái khi đi
– Các bạn nào thắc mắc Nghĩa sẽ trả lời thêm 😁😋

Các bạn tham khảo chú thích trong hình ảnh để nắm rõ những cung đường nhé 😋😋

Phạm Trung Nghĩa

Chuyện kể về Mauritius

Mauritius sở hữu một hệ thống đường cao tốc đáng ngưỡng mộ. Hình dáng đảo quốc này tương đối tròn trịa và đều đặn, nên ngoài hệ thống đường vành đai bao bọc hết đảo chạy theo bờ biển, các đường cao tốc xuyên đảo, cắt lãnh thổ này như cắt một cái bánh và chia thành nhiều miếng đều nhau.

Bãi biển Mauritius
Bãi biển Mauritius

Điều đáng nói ở đây là các đại lộ cao tốc 4 hoặc 6 làn xe này dều tuyệt đối phẳng phiêu, thẳng tắp và cho phép đi 110km/h, kể cả highway xuyên vườn quốc gia Black River, một cung đường tuyệt đẹp băng ngang cánh đồng mía bạt ngàn, cánh đồng trà xanh mướt rồi bất thần chui vào rừng rậm như vào một mê cung toàn cây xanh rậm rạp. Đoạn này được gọi là Scenic Route và nó rất xứng đáng với tên gọi đó.

giao-thong-mauritius
Giao thông Mauritius

Ở Mauritius, cơ sở hạ tầng gần như hoàn chỉnh. Đường sá sạch đẹp, không bụi bặm. Tỉ lệ xe hơi trên đầu người rất cao, nhưng việc dàn trải và phân bố dân cư ở các đô thị rất đều nên không mắc phải tình trạng tắc đường như ở Bali hay Phuket. Rõ ràng Mauritius có một tầm nhìn quy hoạch và phát triển kinh tế một cách bền vững, môi trường được gìn giữ cực tốt, mức sống người dân khá cao và ý thức con người gần đạt đến tiêu chuẩn Tây Âu rồi…

Mauritius thuộc Châu Phi?! Không hẳn…

Mauritius tự chứng minh xã hội họ thanh bình bằng cách… quẳng bọn trẻ con cho xe bus lo liệu. Hôm nay tui phải kẹt gần 40 phút ở bến xe buýt trung tâm Flacq chỉ để đứng nhìn police kết hợp với nhân viên bán vé xe bus lùa cho bọn trẻ con loi choi lên xe bus để tống chúng nó về nhà.

Bọn trẻ đi xe bus tất nhiên không mất tiền, đã thế lại còn được ưu tiên cho lên trước, bọn khách-già còn lại phải lục tục theo sau. Các đối tượng loi nhoi này được tập cho thói quen xếp hàng, nên rõ là khá nghiêm túc, mặc dù rất to mồm. Dù vậy cũng không thấy ai đe nẹt la rầy gì, kể cả lơ xe. Nếu chúng nó không to mồm bỡn cợt nhau thì tui sẽ tưởng đang ở Nhật Bản. Vì chỉ có Nhật Bản mới trật tự như trại lính, và cuối cùng rất nhiều đứa phải vào trại điên @@.

Ở Mauritius đặc biệt ít thấy quát tháo nhau. Khi gặp phải rắc rối, họ thường bắt đầu nói chuyện phải quấy với nhau bằng một cái bắt tay để tạo sự tin tưởng. Mọi thứ diễn ra nhẹ nhàng. Police là để hướng dẫn và giúp đỡ, không phải để đánh nhau với dân, mà chắc cũng do dân chúng được giáo dục tử tế.

Đất nước nói tiếng Pháp, nhưng khi cần, ai cũng có thể trả lời bằng tiếng Ăng-lê, từ bà bán quán cóc cho tới khách chờ xe bus, từ tài xế taxi đến police đứng đầy phía ngoài mấy cái nhà băng làm cảnh. Mỗi tội thấy mình cứ chào nị-hão. Cải chính mãi thấy mệt thôi tôy gật luôn cho vừa lòng mấy người.

 

xoài
Xoài

Mauritius đang mùa xoài chín. Gần apartment của mình có 1 cây xoài to, trái chín rụng là chủ nhà họ nhặt xếp lên bờ tường, cho ai đi ngang thích thì lấy. Xoài chín cây, tươi, ngọt và thơm lừng…

Nguồn: Phương Nguyễn (LangDu8x)

Rồi sẽ cô đơn

Cuối tuần rồi theo đồng bọn lên Đà Lạt, đi chơi là chính chứ không đặt nặng chuyện chụp ảnh cỏ hồng hay cây cô đơn.Trước khi đi thì nghe anh em nhiếp ảnh than phiền nhiều, chửi bới cũng rất nhiều, nhưng khi đi đến nơi thì mới hiểu vì sao anh em giận dữ vậy.
Không gian chung, môi trường chung và cái đẹp là của chung mà các bạn cứ cho rằng nó là của riêng mình. Các bạn bước chân lên cỏ, xả rác đầy một ngọn đồi thơ mộng, chạy xe giẫm nát nguyên đồi cỏ hồng, dựng xe dựng lều ngay gốc cây cô đơn, view đẹp nhất mà mọi người lặn lội băng rừng chỉ mong được chiêm ngưỡng trong chốc lát,…
Cảnh đẹp là của chung, ai cũng có quyền tận hưởng, nhưng hưởng như thế nào để cảnh đẹp còn nguyên vẹn, môi trường được trong lành thì lại cần ý thức rất cao của mọi người.

Đồi cỏ hồng của - Photo: Huynh Thong Nhat
Đồi cỏ hồng của – Photo: Huynh Thong Nhat

Thay vì tấn công cảnh đẹp view đẹp một cách thô bạo, càn quét nó như thể các bạn chỉ có duy nhất một lần, các bạn trẻ có thể dựng xe máy gần đó, vừa tản bộ vừa trò chuyện.

Thay vì ăn uống xong vứt rác đầy xung quanh, bạn chỉ cần bỏ thêm trong ba lô của mình vài cái túi nylon.

Thay vì dựng lều ngay gốc cây cô đơn, bạn chỉ nhìn thấy mặt hồ nước, bạn có thể dựng lều ở một gốc thông cách xa một chút, sáng ngủ dậy vén lều ra, bạn sẽ nhìn thấy một cảnh đẹp tuyệt vời trước mặt với cỏ hồng, cây thông cô đơn bên mặt hồ lung linh lúc bình minh.

Cảnh đẹp thiên nhiên thì là duy nhất, nhưng khám phá và hưởng thụ thì có trăm ngàn cách. Cách của người thông minh và có ý thức sẽ giúp cho cảnh đẹp ấy tăng lên nhiều lần. Cách của người thiếu ý thức sẽ nhanh chóng làm cái đẹp biến mất. Mà khi cuộc sống không còn cái đẹp, bạn sẽ rất cô đơn.

Tung Thanh Nguyen

 

Một số hình ảnh và thông tin ngắn về chùa Linh Quy Pháp Ấn

 

Chùa Linh Sơn Pháp Ấn địa chỉ: đồi 45 thôn 4 xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm cách TP Bảo Lộc 17 km, đi về hướng Phan Thiết . Chùa được thầy Thích Minh Thành quản lý chùa Bửu Liên – Sài Gòn lên khai sơn vào năm 2005. Năm 2007 chùa cất ngôi chánh điện bằng tre nứa. năm 2009 chùa cất giảng đường và năm 2011 chùa cất Quán Chiếu Đường, năm 2014 cất thêm thư viện. Sắp tới chùa có giấy phép sẽ xây nhiều công trình tuyệt đẹpphù hợp với cảnh quan nơi đây. Chùa hiện có 2 thầy Thích Minh Thành trụ trì và thầy Thích Thạnh Văn và 8 chú Sa Di và có 8 thầy đang nhập thất.

Linh quy Pháp Ấn Bảo Lộc - Photo: Nguyễn Văn Thương
Linh quy Pháp Ấn Bảo Lộc – Photo: Nguyễn Văn Thương


Đến với ngôi chùa độc đáo và tuyệt đẹp này, bạn có thể tham quan và du ngoạn vẻ đẹp yên bình giữa chốn bồng lai tiên cảnh, các bạn sẽ ghi lại nhiều hình ảnh đẹp và sẽ thấy tâm hồn mình an lạc, thanh tịnh, chùa Linh Quy Pháp Ấn xứng đáng là một địa điểm du lịch tôn giáo hấp dẫn nhất của tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh lân cận hiện nay.

 

Ảnh bản quyền của NSNA Nguyễn Văn Thương – Bảo Lộc